Dừa cạn có công dụng gì?
15:20 - 12/05/2019
Hiện nay, dừa cạn được được bày bán khá rộng rãi ở một số cửa hàng đông dược. Có người nói vị thuốc này có tác dụng chữa suy thận và cao huyết áp. Vậy thực chất dừa cạn có công dụng gì ?
Trả lời:
Dừa cạn có tên khoa học là Catharanthus roseus (L.) G. Don., thuộc họ Trúc đào Apocynaceae. Trong dân gian, còn gọi là trường xuân, hoa hải đằng, bông dừa, dương giác...Cây dừa cạn cao chừng 0,4 - 0,8m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên, mọc thành bụi dày, có cành đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài 3 - 8 cm, rộng 1 - 2,5 cm. Hoa trắng hoặc hồng, mùi thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá phía trên. Quả gồm hai đại, dài 2 - 4 cm, rộng 2 - 3 mm, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên, trên vỏ có vạch dọc, đầu quả hơi tù, bên trong chứa 12 - 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có các hột nổi thành đường chạy dọc.
Theo nghiên cứu của dược học hiện đại, hoạt chất của dừa cạn là những ancaloid có nhân indol như vinblastine, vincristine, vinleurosin...có trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong rễ và lá. Dừa cạn có tác dụng chống ung thư, làm hạ huyết áp và đường máu, lợi niệu và kháng khuẩn. Theo kinh nghiệm của y học dân gian một số nước, rễ dừa cạn có tác dụng tẩy giun và chữa sốt. Thân và lá được dùng để chữa một số bệnh ngoài da và nhất là chữa bệnh tiểu đường. Kinh nghiệm dùng dừa cạn chữa bệnh tiểu đường cũng được ghi nhận ở Ấn độ, châu Úc, nam châu Phi, quần đảo Antilles, nhưng chứng minh bằng thực tế khoa học thì chưa có. Chính nhờ thực nghiệm trên chuột mà các nhà khoa học Canada đã phát hiện tác dụng làm giảm bạch cầu của một số chất tách được từ dừa cạn và dẫn đến sự phát hiện ra chất vincaleucoblastin và 3 ancaloid khác cũng có tác dụng chống u là leurosin, leurocristin và leurosidin. Ngoài ra, người ta còn phát hiện tác dụng tẩy giun khá mạnh, tác dụng lợi tiểu của catharanthin, vindolinin và vindolidin, nhưng ajmalicin lại có tác dụng ngược lại. Ở nước ta, nhân dân thường dùng dừa cạn dưới dạng thuốc sắc để làm thuốc lợi tiểu, chữa cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Mỗi ngày dùng 10 - 16g.
ThS. Hoàng Khánh Toàn
Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền - Bệnh viện TƯQĐ 108
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Công dụng, cách chế biến, cách dùng của củ tam thất?
15:20 - 12/05/2019
Xin cho biết công dụng, cách chế biến, cách dùng của củ tam thất ? Với nam giới, tam thất có làm giảm khả năng tình dục và sinh sản không ?
Trả lời:
Theo y học cổ truyền, tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ấm, có công dụng chỉ huyết (cầm máu), tán ứ (làm hết ứ trệ), tiêu thũng, định thống (giảm đau), thường được dùng để chữa các chứng bệnh như thổ huyết (nôn ra máu), khái huyết (ho ra máu), nục huyết (chảy máu cam, chảy máu ở các khiếu như mắt, tai...), tiện huyết (đại tiện ra máu), huyết lỵ (chứng kiết lỵ phân có máu), băng lậu (băng huyết, rong huyết, rong kinh), sản hậu huyết vựng (hoa mắt chóng mặt sau khi sinh nở), ác lộ bất hạ (sản dịch, huyết hôi không thoát ra được), trưng hà (trong bụng có khối tích, hoặc trướng, hoặc đau), tụ máu hay xuất huyết do trật đả, đau do viêm tấy sưng nề...Về cơ bản tam thất là một vị thuốc bệnh với công năng chủ yếu là tán ứ, hoạt huyết, chỉ huyết. Tuy nhiên, các y thư cổ đều cho rằng, tam thất “năng khứ ứ sinh tân” hay “hoạt huyết nhi sinh huyết”, nghĩa là bản thân tam thất không phải là thuốc bổ huyết nhưng trong các trường hợp khí huyết suy hư mà có ứ trệ thì công dụng hoạt huyết hoá ứ của nó cũng có ý nghĩa bổ huyết, sinh huyết một cách gián tiếp. Cũng có sách cho rằng tam thất “sinh dụng chỉ huyết tán ứ, tiêu thũng chỉ thống; thục dụng bổ huyết ích khí, tráng dương tán hàn” (dùng sống thì hoạt huyết cầm máu, giảm đau tiêu thũng; dùng chín thì bổ khí huyết, làm mạnh dương khí và trừ hàn). Kinh nghiệm dân gian thường hầm cách thuỷ tam thất với gà choai cũng là nhằm mục đích lấy công năng hoạt huyết sinh huyết của tam thất phối hợp với tác dụng bổ ích khí huyết của thịt gà để thu được hiệu quả bồi bổ khí huyết cao nhất. Với ý nghĩa đó, người ta còn coi tam thất bổ không kém gì sâm và gọi nó là Sâm tam thất hoặcNhân sâm tam thất.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tam thất có tác dụng cầm máu, hoạt huyết, bảo hộ cơ tim, chống thiếu máu cơ tim, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, chống ôxy hoá, làm chậm quá trình lão hoá, bảo vệ tế bào não trong điều kiện thiếu máu, chống ngưng tập tiểu cầu và sự hình thành huyết khối, trấn tĩnh và bảo hộ tế bào thần kinh, chống viêm, bảo hộ tế bào gan, điều tiết miễn dịch, hạ mỡ máu, chống phóng xạ và ung thư, kháng khuẩn và vi rút, cải thiện khả năng ghi nhớ và làm cho cơ thể cường tráng.
Theo dược học cổ truyền, tam thất có nhiều cách bào chế và cách chế khác nhau thì công dụng cũng không giống nhau. Thông thường tam thất được dùng dưới 3 dạng: (1) Dùng tươi, rửa sạch, giã nát và đắp lên tổn thương. (2) Dùng sống, rửa sạch, phơi hay sấy khô rồi thái phiến hay tán thành bột, thường dùng để chữa các chứng như xuất huyết, tổn thương do trật đả, xích lỵ, đại tiện ra máu tươi, đau thắt ngực do thiểu năng mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim, bệnh gan...(3) Dùng chín, hay còn gọi là thục tam thất, rửa sạch, ủ rượu cho mềm rồi thái mỏng sao qua, tán bột hoặc rửa sạch, thái mỏng rồi sao với dầu thực vật cho đến khi có màu vàng nhạt rồi đem tán bột, thường dùng với mục đích bồi bổ cho những trường hợp cơ thể suy nhược, khí huyết bất túc. Dùng sống chủ yếu để tán ứ chỉ huyết, tiêu thũng định thống; dùng chín chủ yếu để bồi bổ. Liều dùng thông thường: mỗi ngày sắc uống từ 5 - 10g, uống bột từ 1,5 - 3,5g, dùng ngoài không kể liều lượng.
Không có căn cứ nào để cho rằng dùng tam thất có thể làm cho suy giảm khả năng tình dục và sinh sản ở nam giới. Ngược lại, như trên đã nói, cổ nhân còn khẳng định tam thất chín còn có tác dụng "bổ huyết ích khí, tráng dương tán hàn" và nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy tam thất còn có công năng tương tự nội tiết tố sinh dục. Tuy nhiên, vì là vị thuốc chữa bệnh phần huyết nên tam thất được dùng cho phụ nữ nhiều hơn.
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Nghe nói uống nước Hà thủ ô làm cho tóc đen trở lại?
15:18 - 12/05/2019
Chào Bác Sỹ! Cho tôi hỏi: Năm nay đã 44 tuổi nhưng tóc đã bạc nhiều và có nghe nói uống nước Hà thủ ô làm cho tóc đen trở lại. Nếu thực hiện như thế có kết quả không? Xin cảm ơn Bác Sỹ!
Trả lời:
Nói đến hà thủ ô, nhiều người nghĩ rằng đó là tên gọi của một vị thuốc trong đông y, kỳ thực đó vốn là danh tự của một người. Chuyện xưa kể rằng: Vào đời Đường bên Trung quốc có một người tên là Hà Điền Nhi ốm yếu từ nhỏ, năm 58 tuổi vẫn chưa có con bởi vậy trong lòng phiền muộn khôn nguôi. Một hôm, họ Hà buồn quá bèn xuống núi uống rượu say đến nỗi nằm lăn ra ngủ cạnh bìa rừng mà không biết. Khi tỉnh dậy, anh ta chợt nhìn thấy bên cạnh mình có một loại cây thân leo, từng cặp, từng cặp quấn chặt lấy nhau hồi lâu rồi buông ra và lại quấn với nhau rất là kỳ quái. Đợi khi trời sáng, Hà Điền Nhi bèn đào lấy rễ cây đem về nhà kiên trì sắc uống. Sau nhiều tháng, tóc anh ta từ bạc trắng chuyển thành đen nhánh,thân hình trở nên cường tráng, trong 10 năm sinh liền mấy đứa con, sống thọ tới 160 tuổi. Cháu nội của Điền Nhi là Hà Thủ Ô dùng thuốc cũng thọ tới 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen bóng. Anh ta đem thuốc cho họ hàng và bà con làng xóm cùng dùng, bởi vậy mọi người gọi cây thuốc này là hà thủ ô.
Qua câu chuyện chúng ta thấy hà thủ ô ít nhất có ba tác dụng đặc biệt: làm đen râu tóc, có lợi cho việc sinh con và kéo dài tuổi thọ
*Làm đen râu tóc: Theo quan niệm của y học cổ truyền, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng chứa tinh, tinh sinh huyết. Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ nên sớm bạc và dễ rụng. Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dầy khỏe và đen bóng. Hà thủ ô có công dụng bồi bổ can thận, dưỡng huyết tư âm bởi vậy khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu.
*Có lợi cho việc sinh con: Lý luận của y học cổ truyền cho rằng thận tàng tinh, chủ về việc sinh con đẻ cái. Nếu thận tinh sung túc thì sự sinh trưởng phát dục của cơ thể diễn ra thuận lợi, năng lực tính dục được khôi phục và nâng cao nên rất dễ sinh con. Trong sách "Bản thảo cương mục", nhà bác học Lý Thời Trân đã ghi lại chuyện Minh Thế Tông Hoàng Đế chữa khỏi được chứng bất dục bằng phương thuốc Thất bảo mỹ nhiêm đan trứ danh với chủ dược là hà thủ ô.
*Kéo dài tuổi thọ: Y học cổ truyền cho rằng, sự già yếu của con người cũng do quá trình suy giảm của thận tinh quyết định, bởi vậy việc sử dụng hà thủ ô lâu dài để bổ ích thận tinh cũng có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh hà thủ ô có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu giúp ngăn ngừa tình trạng vữa xơ động mạch, bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, nâng cao khả năng miễn dịch, cải thiện hoạt động của hệ thống các tuyến nội tiết, đặc biệt là tuyến thượng thận và giáp trạng. Ngoài ra, hà thủ ô còn có tác dụng kháng khuẩn, nâng cao khả năng chống rét của cơ thể, nhuận tràng và giải độc.
Thời xưa, phương thức dùng hà thủ ô chủ yếu là sắc uống, chế thành viên hoàn, cao thuốc hoặc ngâm rượu. Hiện nay, với công nghệ hiện đại người ta bào chế thành các dạng tiện dùng như bột hà thủ ô, viên nang, trà tan…Dưới đây xin được giới thiệu một số cách dùng hà thủ ô đơn giản nhưng rất tiện lợi:
- Hà thủ ô 30g, gà mái 1 con, gia vị vừa đủ. Gà làm thịt, mổ bụng, rửa sạch. Hà thủ ô nghiền thành bột đựng trong túi vải buộc chặt rồi cho vào bụng gà. Tất cả đem hầm bằng nồi đất thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn trong ngày.
- Hà thủ ô 60g, trứng gà 3 quả. Sắc hà thủ ô lấy nước bỏ bã rồi đập trứng vào đun chín là được.
- Hà thủ ô 30g, đại táo 3 quả, gạo tẻ 100g, đường đỏ 50g. Hà thủ ô ngâm nước 2 giờ rồi sắc trong 1giờ, bỏ bã lấy nước đem nấu với gạo và đại táo thành cháo, chế thêm đường ăn trong ngày. Hoặc hà thủ ô 15-20g cho vào nồi đất hầm nhừ rồi cho thêm 50-100g gạo nấu tiếp thành cháo, chế thêm mật ong ăn khi đói bụng.
- Hà thủ ô 20g, sơn tra 20g. Hai thứ thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút là dùng được, uống thay trà hàng ngày.
- Hà thủ ô 120g, đương quy 60g, sinh địa 80g, rượu trắng 2500ml. Các vị thuốc thái vụn gói trong túi vải rồi cho vào vò ngâm với rượu, nút kín để nơi thoáng mát khô ráo, sau 1tuần có thể dùng được. Uồng mỗi ngày 15ml vào buổi sáng.
- Hà thủ ô 200g, kỷ tử 50g, long nhãn 200g, đinh hương 15g, mật ong 50g, rượu trắng 2000 ml. Các vị thuốc thái vụn ngâm với rượu trong 36 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-20ml.
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Phẫu thuật chỉnh hình chân bị vòng kiềng
15:17 - 12/05/2019
Kính gửi bác sĩ. Năm nay tôi 37t, nếu muốn làm phẫu thuật chỉnh hình chân bị vòng kiềng thì lên làm thế nào, thời gian bao lâu thì ra viện được, bao lâu sẽ đi lại được. (đặc điểm vòng kiềng , khi đứng thẳng hai mũi bàn chân hướng về phía trước, mắt cá chạm nhau thì đầu gối cách nhau 30cm). Chờ hối âm từ bác sĩ Trân trọng
Trả lời:
Chân vòng kiềng hay còn gọi là chân chữ 0, muốn chỉnh dị tật này thì cần phải mổ cắt xương chỉnh thẳng lại. Sau đó kết hợp xương lại bằng nẹp vít. Tùy theo mức độ cong khi khám và chụp phim mà bác sĩ sẽ quyết định mổ cắt ở 1 vị trí hay 2 vị trí (ở đầu dưới xương đùi hoặc đầu trên xương chày) trên một chân. Theo mô tả của anh thì khi 2 mắt cá chân chạm nhau mà gối cách xa nhau 30cm thì có thể mỗi chân chỉ cần cắt xương ở 1 vị trí. Việc có mổ 2 chân cùng một lần hay không thì bác sĩ sẽ trao đổi cùng với bệnh nhân trước khi mổ. Một ca mổ như thế thời gian nằm viện khoảng 10 ngày.
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Ứng dụng kỹ thuật TaTME - phẫu thuật nội soi
14:28 - 12/05/2019
Xin hỏi bác sĩ , tôi có nghe thông tin bệnh viện đã ứng dụng kỹ thuật TaTME, phẫu thuật nội soi giúp bệnh nhân không phải mang hậu môn nhân tạo. Vậy thông tin này là đúng phải không ah. Ba chồng tôi năm nay 71 tuổi đã cắt mật, mổ cườm 2 mắt, cách đây 4 phát hiện u cách hậu môn 4 cm, Bệnh viện ở trong TP Hồ Chí Minh có chỉ định phẫu thuật để hậu môn ngoài, không hóa trị, không xạ trị, đã xâm lấn gan nhẹ. Xin các bác sĩ tư vấn nếu trường hợp bệnh của ba tôi như vậy Bệnh viện TWQĐ 108 có chữa trị cho ba tôi theo phương pháp mổ nội soi TaTME được không ah. Vì ở xa nên xin bác sĩ cho biết thời gian điều trị mỗi đợt khoảng bao lâu và tổng chi phí điều trị hết khoảng bao nhiêu để gia đình biết mà chuẩn bị ah. Rất cảm ơn bác sĩ ah!
Trả lời:
Phẫu thuật TaTME là một phương pháp mới được triển khai trên thế giới. Bệnh viên chúng tôi đã triển khai kỹ thuật này tư hơn 1 năm nay với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hàn Quốc. Tới nay Chúng tôi đã thực hiện được hơn 46 trường hợp. Kết quả vừa được báo cáo tại hội nghi ngoại khoa và phẫu thuật nội soi toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/10/2018. Với kỹ thuật này, vị trí khối u cách mép hậu môn 4 cm là hoàn toàn có thể bảo tồn được ống hậu môn. Bệnh nhân không phải mang hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Tuy nhiên, về chỉ định rất chặt chẽ, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Với giai đoạn tiến triển, chúng tôi áp dụng hoá xạ trị tiền phẫu để làm giảm kich thước khối u rồi mới phẫu thuât. Nói chung phương pháp này đang mang lại một niềm hy vọng rất lớn cho các Bênh nhân bị ung thư trực tràng thấp không còn phải mang hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Viêm da cơ địa
14:26 - 12/05/2019
Em bị viêm da cơ địa hơn 2 năm rồi đi chữa thuốc tây không khỏi, e nghe nói càng chữa thuốc tây thì bệnh sau này càng phát mạnh vì nó kìm hãm bệnh, sau đó e đi lấy thuốc nam tắm, bôi rất nhiều nhưng cũng không khỏi, 3 tháng nay e dùng thuốc của 1 bệnh viện y học cổ truyền nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khỏi. ban đầu biểu hiện ngứa nổi mụn nhỏ li ti khắp người nhưng chủ yếu ở tay và chân, làn da yếu hơi 1 tí có thể bị xước da đi ra ngoài trời cây cỏ cọ vào người là khó chịu rồi, đi tắm thì nhiều ghét giống như hệ bài tiết bị suy giảm, sau khi uống thuốc của bệnh viên y học cổ truyền trung ương 3 tháng đổi 3 lần thuốc thì ngứa giảm nhưng thi thoảng vẫn nổi những mụn ngứa ở người, xong ở vùng cổ và ngực lại nổi nhiều mụn nhưng không ngứa, đi tắm thì vẫn kì rất nhiều ghét, khiến mặt cũng bị lên nhiều trứng cá theo, bác sĩ cho e hỏi bây giờ e phải làm sao ạ? em cảm ơn nhiều
Trả lời:
Viêm da cơ địa là một trạng thái viêm da có tính chất cơ địa dị ứng. Biểu hiện lâm sàng bằng các đám da đỏ, mụn nước và ngứa, bệnh tiến triển có tính chất mạn tính, thành đợt. Điều trị khó khăn và yếu cầu chăm sóc da đặc biệt.
Nguyên nhân chưa rõ ràng, phức tạp nhiều khi không phát hiện được nhưng có hai yếu tố chính đóng góp vào quá trình sinh bệnh học của viêm da cơ địa đó là yếu tố cơ địa và môi trường.
Chẩn đoán dựa vào khai thác tiền sử, khám lâm sàng và giải phẫu bệnh
Khai thác tiền sử: gia đình, bản thân có các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản…
Lâm sàng: ban đỏ, mụn nước, đóng vảy, ngứa nhiều
Giải phẫu bệnh: hình ảnh xốp bào (spongiosis)
Chẩn đoán giai đoạn bệnh:
Cấp tính: ban đỏ, mụn nước, chảy dịch
Bán cấp: đóng vảy, lên da non
Mạn tính: da cộm, lichen hóa
Viêm da cơ địa theo tuổi chia thành:
Viêm da cơ thể địa tuổi sơ sinh, nhũ nhi và tuổi ấu thơ (Infantile Atopic dermatitis hoặc infancy). Gặp ở trẻ từ 2 tuần đến 2 tuổi. Thường gặp ở trẻ bụ bẫm 2-3 tháng tuổi, ban đầu tổn thương xuất hiện ở má, trán (hình móng ngựa), quanh miệng, đầu, sau có thể bị ở cổ, mặt duỗi, thân mình, bẹn. Tổn thương là dát đỏ, có nhiều mụn nước trên bề mặt, trợt, chảy dịch mạnh, nhiễm khuẩn thứ phát có mủ, vảy tiết. Ngứa nhiều. Có thể kèm theo tiêu chảy, viêm tai giữa.
Thời kỳ trẻ em (Child type atopic dermatitis): Thời kỳ trẻ em (childhood) hoặc thanh thiếu niên (adolescent) 2-3 tuổi đến 12-20 tuổi. Tổn thương là các đám mảng lichen hoá (hằn cổ trâu) dạng đĩa lúc đầu ở các mặt duỗi, đầu gối, khuỷu tay, sau lan đến các nếp gấp, ngoài ra có thể sẩn ngứa, da khô, hằn cổ trâu. Có khi kèm đục thuỷ tinh thể, viêm kết mạc.
Thời kỳ trưởng thành (Adult type atopic dermatitis) : Ở người lớn (adult) chủ yếu là hằn cổ trâu, vị trí đặc biệt là các nếp kẽ lớn và bàn tay, ở nữ giới có thể có viêm núm vú, viêm môi.
Điều trị chung
Loại bỏ tránh tiếp xúc với các dị nguyên nếu có thể. Sử dụng kháng sinh kể cả khi chưa có dấu hiệu nhiễm khuẩn vì có nghiên cứu bằng chứng cho thấy 95% sự hiện diện của tụ cầu trên da của bệnh nhân cơ địa. Các thuốc kháng histamin, giải mẫn cảm. Cân nhắc một đợt corticoid trong các trường hợp nặng, cấp tính, tránh dùng lâu dài.
Điều trị tại chỗ cụ thể phụ thuộc vào giai đoạn bệnh
+ Giai đoạn cấp tính: Thuốc dịu da, sát khuẩn, chống ngứa như dung dịch thuốc tím pha loãng 1/4000, nước muối sinh lý, dung dịch Yarish…
+ Giai đoạn bán cấp: dùng thuốc dạng kem có chứa corticoid và kháng sinh…
+ Giai đoạn mạn tính: Thuốc dạng mỡ, bạt sừng bong vảy…
Bạn đã đi khám ở đâu chẩn đoán là viêm da cơ địa và bạn cũng không nói bạn bao nhiêu tuổi. Theo như triệu chứng bạn mô tả thì bạn ở giại đoạn bán cấp hoặc mạn tính. Bạn nên đến Bệnh viện chúng tôi để khám, xác định chẩn đoán bệnh và giai đoạn bệnh để có kế hoạch điều trị cụ thể. Việc điều trị và chăm sóc da ở bệnh nhân viêm da cơ địa là thường xuyên và liên tục.
Chúng tôi rất hân hạnh được chăm sóc cho bạn.
Chúc bạn chóng bình phục và có chất lượng cuộc sống tốt nhất.
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Phẫu thuật phía trên vành tai
14:23 - 12/05/2019
Chào bác sĩ. Con trai em sinh tháng 01/2015. Cháu bị vùi lấp xương dưới da đầu ở 1 bên vành tai gây mất thẩm mĩ (Phía trên vành tai bị tụt vào da đầu khi cầm tay kéo ra thì bình thường và bỏ tay ra thì lại bị tụt vào). bác sĩ cho em hỏi là thời điểm thích hợp để phẫu thuật cho cháu và thời gian, chi phí cho ca phẫu thuật là bao nhiêu. Rất mong nhận được tư vấn của bác sĩ. Trân trọng cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn! Như bạn mô tả đó là bệnh lý vành tai vùi bẩm sinh. Nếu gửi ảnh thì tư vấn chính xác hơn. Có thể mổ từ 5-6 tuổi nếu kích thước vành tai bình thường giống bên lành. Nếu vành tai bị vùi nhưng nhỏ hơn hoặc khuyết 1 phần thì mổ lúc 13-18 tuổi. Bạn đưa con đến bệnh viện chúng tôi khám để được tư vấn cụ thể hơn! Cảm ơn Bạn!
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Đứt dây chằng chéo trước
14:22 - 12/05/2019
Cách đây hơn 2 năm tôi trèo cầu thang bị trượt chân té ngã, đi chụp cộng hưởng từ Bác sỹ chẩn đoán bị đứt dây chằng chéo trước, nhưng do điều kiện lúc đó tôi chưa phẫu thuật được vì tôi đang lao động ở Đài loan, tháng 4/2019 tôi hết hạn hợp đồng về nước tôi muốn đi mổ để nối lại. Xin hỏi bác sỹ lúc đó tôi có mổ được nữa không, để lâu có ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ hay cơ bắp gì không?, nếu mổ được thì thời gian bình phục là bao lâu? Kinh phí mổ hết bao nhiêu? Xin cảm ơn bác sỹ!
Trả lời:
Trước tiên xin cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi. Với những thông tin bạn cung cấp tôi xin trả lời như sau: khi bạn được chẩn đoán đứt dây chẳng chéo trước, bạn cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt, vì nếu không phẫu thuật sớm bạn sẽ nguy cơ bị tổn thương thứ phát sụn chêm hoặc thoái hoá khớp, teo cơ... ngoài ra phẫu thuật sớm kết quả điều trị sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không thu xếp được thời gian, 4/2009 chúng tôi vẫn có thể phẫu thuật cho bạn, nhưng từ bây giờ bạn lưu ý phải đeo bao gối mềm (như vận động viên bóng chuyền), tránh hoạt động nặng và chơi thể thao, tập luyện duy trì sức cơ đùi, cẳng chân. Thời gian phục hồi hoàn toàn khoảng 9 tháng, tuy nhiên sau 6 tuần bạn có thể đi lại tương đối bình thường. Chi phí phẫu thuật khoảng 40-50 triệu.
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Chi phí thuốc chống đào thải sau phẫu thật ghép gan là bao nhiêu và cách chăm...
14:21 - 12/05/2019
Chào Bác sĩ! Bác sĩ cho em hỏi chi phí thuốc chống đào thải sau phẫu thật ghép gan là bao nhiêu và cách chăm sóc bệnh nhân sau ghép gan như thế nào ạ. Em cảm ơn
Trả lời:
Cảm ơn Bạn đã gửi Câu hỏi. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của Bạn như sau:
1. Chi phí thuốc chống thải ghép sau ghép gan:
Sau khi bệnh nhân được ghép gan ổn định thường được cho ra viện, điều trị ngoại trú thuốc chống thải ghép, tùy vào tình trạng bệnh và đáp ứng với thuốc của mỗi bệnh nhân mà có liều thuốc chống thải ghép khác nhau. Trung bình mỗi tháng khoảng 10 đến 15 triệu đồng tiền thuốc chống thải ghép, tuy nhiên khoản thuốc này được bảo hiểm y tế thanh toán theo phần trăm hưởng bảo hiểm y tế. Ví dụ bệnh nhân hưởng BHYT 80% thì mỗi tháng khoản tiền phải thanh toán chỉ từ 2-3 triệu đồng.
2. Chăm sóc bệnh nhân sau ghép gan:
Thông thường sau ghép gan 1 tháng người bệnh có thể được cho xuất viện, trong vòng 1-3 tháng đầu cần thường xuyên vào viện kiểm tra xét nghiệm để điều chỉnh thuốc chống thải ghép và dùng các thuốc dự phòng các bệnh cơ hội, ngoài 3-6 tháng người bệnh có thể trở lại cuộc sống lao động (không lao động nặng). Khi này người bệnh không cần những chăm sóc y tế đặc biệt nữa mà chỉ là chú ý trong sinh hoạt. Nó gồm rất nhiều chú ý về ăn uống, sinh hoạt và ở mỗi người bệnh sẽ có những chú ý riêng. Có thể tóm tắt một số điểm chính như sau:
- Tuyệt đối tránh bia, rươu, thuốc lá.
- Ăn chín uống sôi giàu đạm và vitamin, 3-6 tháng đầu hạn chế ăn hoa quả, sau có thể ăn nhưng không được ăn bưởi (ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc chống thải ghép).
- Tránh đám đông và những khu vực không khí kém lưu thông.
- Tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh truyền nhiễm (thậm chí chỉ cảm cúm). Đi đường nên mang khẩu trang.
- Dùng kháng sinh trước khi làm các thủ thuật như lấy cao răng.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng sát khuẩn
- Bảo về da bằng kem chống nắng, quẩn áo chống nắng
- Cần làm quen với các triệu chứng nhiễm khuẩn và thải ghép để có thể kịp thời xử trí.
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn.
- Dùng thuốc đuổi côn trùng chứa DEET hoặc picaridin
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn:
+ Nam: soi đại tràng, khám tiền liệt tuyến
+ Nữ: soi đại tràng, tự khám vú hàng tháng, khám phụ khoa hàng năm.
<nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108>
Giải đáp thắc mắc về ung bướu - 5
10:48 - 08/05/2019
Kính chào Bác sĩ, Mẹ cháu bị K đại trực tràng giai đọan 2 nguy cơ cao (T4aNoMo), đã hóa trị 8 lần tại BV ĐH Y dược TPHCM. Bác sĩ cho cháu hỏi tình trạng tiên lượng bệnh giai đọan này thế nào ạ? Mốc 5 năm trong bệnh UT có ý nghĩa gì, vì cháu nghe BS tại đây nói khả năng khỏi 5 năm là hơn 60%. Cháu cảm ơn Bác sĩ.
Trả lời:
Chào bạn. Nhìn chung, bệnh lý ung thư đại trực tràng có tiên lượng khá tốt hơn so với nhiều bệnh lý ung thư khác như ung thư gan, ung thư phổi. Bệnh của người nhà bạn ở giai đoạn II, tiên lượng khá tốt. Bệnh lý ung thư là bệnh lý mạn tính, với đặc tính bệnh có thể tái phát và di căn. Người ta thường lấy mốc 5 năm trong bệnh ung thư là mốc coi như “khỏi bệnh” nếu một bệnh nhân ung thư không tái phát hay tái phát di căn trong 5 năm. Hiện tại bệnh của mẹ bạn đã điều trị ổn định, và điều quan trọng nhất thời điểm hiện tại là khám định kỳ đều đặn theo hẹn nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tái phát di căn để có thể điều trị kịp thời.
<nguồn: Bệnh viện K>